Tin tức

Dấu chứng chỉ Halal – Những điều doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm sang các nước Hồi giáo cần biết

Ảnh minh họa

Người Hồi giáo thường tin dùng những sản phẩm có chứng chỉ Halal. Dù mức giá xuất khẩu sản phẩm có chứng chỉ Halal ngang bằng với các sản phẩm khác nhưng tính cạnh tranh lại cao hơn. Do đó, đạt được chứng chỉ Halal sẽ là một lợi thế giúp các doanh nghiệp thực phẩm Việt Nam thành công trên thị trường Hồi giáo toàn cầu.

Xây dựng hướng tiếp cận đúng đắn
Hồi giáo là tôn giáo lớn thứ hai trên thế giới, đồng thời là cộng đồng có tốc độ phát triển nhanh nhất trên toàn thế giới cũng như tại các quốc gia châu Á. Cho dù có sự đa dạng về mặt địa lý và dân tộc nhưng tất cả những người Hồi giáo đều tuân theo những đức tin và tôn giáo của đạo Hồi, trong đó tiêu dùng thực phẩm Halal được coi như một nghĩa vụ tôn giáo mà các tín đồ Hồi giáo phải tuân thủ. Đây được coi là cơ hội rộng lớn mở ra cho các DNXK của Việt Nam với thế mạnh về các sản phẩm nông nghiệp.
Hiện tại, mỗi năm nước ta có khoảng 50 công ty được cấp chứng nhận Halal với các sản phẩm chủ yếu là hải sản, đồ uống, thực phẩm đóng hộp, bánh kẹo, đồ ăn chay và dược phẩm. Tuy nhiên, để có được chứng chỉ này, DN Việt Nam sẽ tốn không ít công sức khi phải tìm hiểu kỹ về văn hóa Hồi giáo bởi người Hồi giáo rất chú trọng đến tâm linh và đức tin. Nếu trong một bản chương trình làm việc với các đối tác Hồi giáo có thời gian cũng như lịch trình để họ thực hiện các nghi thức cầu nguyện theo đức tin của người Hồi giáo, DN sẽ được đối tác trân trọng và sẽ có thiện chí hợp tác. Đối với quá trình sản xuất, DN cũng sẽ phải quan tâm đến rất nhiều yếu tố từ nhà xưởng (phải có sự tách biệt giữa nhà xưởng sản phẩm Halal với sản phẩm không Halal), các yêu cầu về thiết bị cũng phải được tách biệt, không sử dụng chung, lẫn lộn các thiết bị… Ngay đến vấn đề cá nhân, công nhân trong các khâu sản xuất, DN cũng phải tách biệt rõ ràng, quy định cụ thể các tiêu chí sản xuất về mặt tôn giáo bởi vì đây không đơn thuần là yếu tố kỹ thuật mà đây chính là niềm tin, đức tin của người Hồi giáo khi tham gia quá trình sản xuất. Không quá khó khăn để các DN đáp ứng tiêu chuẩn Halal cũng như các quy định của Luật Hồi giáo nếu DN nhận thức được rõ ràng những gì DN đang làm và là vì quyền lợi của người Hồi giáo.
Một đặc điểm nữa là nhiều DN Việt Nam chưa tiếp cận đúng đắn các quy định thương mại của các nước Hồi giáo nói chung và còn nhầm lẫn về khái niệm Halal. Chẳng hạn như phần đông các DN đều nghĩ rằng 100% đồ chay chính là sản phẩm Halal, hay là sản phẩm không thịt mỡ, thịt heo thì có thể bán và sử dụng ở thị trường Hồi giáo. Đây là cách hiểu chưa chính xác, các DN nên tìm hiểu chi tiết hơn để tiếp cận đúng đắn các quy định thương mại của các nước Hồi giáo.
Ngoài ra, chứng nhận của các tổ chức không được Liên minh Halal Quốc tế (IHIA) công nhận chỉ có hạn chế hiệu lực quốc tế. Do vậy, trước khi yêu cầu cấp chứng nhận Halal, các DN nên dành thời gian tìm hiểu thông tin về tổ chức sẽ cấp chứng nhận cho mình. Cụ thể, yêu cầu tổ chức đó xác nhận bằng văn bản rằng họ là thành viên của IHIA hay một tổ chức được ủy quyền/thừa nhận tại một quốc gia cụ thể; yêu cầu tổ chức đó được thừa nhận sự hoạt động tại Việt Nam; chứng nhận Halal phải được thực hiện trên cơ sở hợp đồng và có hóa đơn tài chính; tổ chức đánh giá Halal phải áp dụng các tiêu chuẩn về quy trình chứng nhận Halal. Tại Việt Nam hiện nay, Văn phòng Chứng nhận Halal Việt Nam (HCA) và Ban đại diện cộng đồng Hồi giáo Thành phố HCM là 2 tổ chức được UBND cấp tỉnh/thành phố và tương đương công nhận về sự hiện diện.

 :